Ngày 3-10, một ngày sau khi chính thức nghỉ hưu trong một buổi chia tay đầy cảm động, GS.TS Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) ngồi lại trò chuyện với Tuổi Trẻ về một hành trình thấm đẫm tình người.
* "Ông đúng là thầy thuốc của nhân dân" - một bạn đọc viết trên Tuổi Trẻ Online
như vậy. Còn ông, ông nói gì về mình?
- Những ngày gần đây phải nói là tôi rất buồn, rất chống chếnh, nhiều tâm trạng, nhưng
đây là cái buồn đẹp.
Vì sao tôi buồn? Viện Huyết học - truyền máu trung ương là tập thể tôi rất yêu quý, các
cán bộ của viện và bệnh nhân cũng yêu quý tôi, nay tôi phải xa tập thể ấy và sang một
trang mới trong cuộc sống. Điều đó làm tôi rất chống chếnh.
10 ngày trở lại đây, bệnh nhân, học trò... đã gửi rất nhiều tin nhắn đến cho tôi, họ thể
hiện tình cảm với tôi. Tối 2-10 (ngày tôi chia tay viện chính thức), hơn 12h đêm vẫn có
tin nhắn từ bệnh nhân là cháu vẫn chưa ngủ được...Những điều đó làm tôi rất xúc động.
* Ông có bất ngờ về những tình cảm và cách mình được chia tay?
- Tôi xúc động nhưng không bất ngờ. Đây là thực tế cuộc sống, tôi và bạn đều không
thể bắt ai đứng đợi chia tay mình rồi khóc nếu nó không xuất phát tự đáy lòng. Có bạn
đi công tác nhưng vẫn cố gắng về để chia tay, có bạn đang nghỉ sinh cũng đến chia tay.
Đó là những tình cảm thật, hàng chục năm nay chúng tôi sống với nhau như vậy, tôi
cũng tin yêu và sống hết mình với họ.
* Hai ngày nay, có người nói ông đã cống hiến, thậm chí đã hi sinh nhiều về
nghề nghiệp. Ông có nghĩ như vậy?
- Tôi có cống hiến, nhưng không hi sinh. Có nhiều nghề hi sinh hơn nghề y, có nhiều
người hi sinh hơn cá nhân tôi. Tôi ở đây dù có bận rộn thì chiều tối cũng được về với
vợ con, gia đình.
Tôi đã đi Trường Sa gặp nhiều chiến sĩ ở đó, có thời điểm họ đang làm nhiệm vụ ở
hải đảo mà gia đình có việc nhưng họ không thể về. Ở vùng cao, vùng sâu có
những bác sĩ đã gắn bó cả đời ở đó đến khi về hưu. Họ hi sinh hơn tôi nhiều.
* Điều gì trong hành trình đã qua làm ông hài lòng nhất?
- Tôi hài lòng tất cả, những hoạt động chuyên môn về vận động hiến máu, truyền
máu, về sàng lọc điều trị cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh, bệnh máu khó đông,
công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học hay sự bùng nổ trong hợp tác quốc tế của viện.
Những gì đã thay đổi về chuyên môn như vận động hiến máu, điều trị cho bệnh nhân
máu khó đông, tan máu bẩm sinh..., theo tôi, là thay đổi quan trọng và thay đổi thuộc
về nền tảng, thay đổi cơ bản, là điều kiện tốt để phát triển.
Nhưng điều tôi hài lòng nhất là xây dựng được một văn hóa riêng có của Viện Huyết
học - Truyền máu trung ương, đó là chào hỏi người bệnh, người nhà, văn hóa từ khi
đi thang máy hay chào cờ nghiêm trang mỗi sáng thứ hai.
Đó là văn hóa và cũng là thể hiện y đức mà không phải theo "lệnh", theo giấy tờ hành
chính, đây là những gì tự nhiên nhất đã ăn vào tiềm thức.
* Ông không có gì không hài lòng trong một quãng thời gian hành nghề rất dài,
rất nhiều biến cố?
- Ai chẳng có những điều không hài lòng, cuộc sống không có gì hoàn hảo, nhưng
những gì không hài lòng tôi đã đều giải quyết xong cả. Tôi rất mãn nguyện.
Tôi khẳng định rằng ở mọi thời đại, nghề y luôn được mọi người yêu quý. Người ta
có lên án thì cũng là vì ai đó trong nghề y làm việc không tốt, trái y đức.
Có lần tôi đi sân bay mà vì một lý do nào đó việc làm thủ tục rất khó khăn, đến
lượt tôi thì khi họ hỏi tôi làm nghề gì, tôi nói làm bác sĩ thì thủ tục rất dễ dàng.
Tôi rất hạnh phúc khi được làm nghề y, được chữa bệnh, chữa được bệnh nặng thì
tôicàng hạnh phúc.
* Có rất nhiều người có ý kiến ông còn khỏe, sao Bộ Y tế không giữ lại làm việc
thêm? Ông nghĩ như thế nào về đề nghị này?
- Quy định của Nhà nước tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi thì mình là đại biểu Quốc hội,
mình phải gương mẫu. Tôi là một người lao động đến tuổi nghỉ hưu thì nghỉ hưu, không
có gì đặc biệt cả.
Mình được đồng nghiệp, bệnh nhân yêu thương, nhưng không thể vì thế mà mình làm
trái. Hơn nữa, tôi nghỉ hưu nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm...
* Có khi nào ông băn khoăn về cuộc chuyển giao thế hệ của viện?
- Tôi mượn câu của anh Ngô Toàn Định, nguyên vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y
tế, để nói về cuộc chuyển giao thế hệ giữa tôi và tân viện trưởng. Tân viện trưởng là
anh Bạch Quốc Khánh, anh Định đã nói cuộc chuyển giao này là đúng về lý, đẹp về tình.
Anh Khánh là con trai của GS Bạch Quốc Tuyên, là viện trưởng sáng lập ra Viện Huyết
học - Truyền máu Trung ương, GS Tuyên cũng là thầy của tôi.
Trong 6 năm qua, tôi đã đồng hành cùng anh Khánh và vun đắp cho anh ấy, nay anh
ấy từ cương vị phó viện trưởng lên viện trưởng với đầy đủ kinh nghiệm, bằng cấp,
chuyên môn là quá đúng.
Tôi cũng nói với anh em sau khi tôi nghỉ hưu thì viện phải bước sang một giai đoạn
mới, không phải là giai đoạn Nguyễn Anh Trí nữa, mà là giai đoạn của các anh em
hiện nay.
Tôi cũng nói với anh em thời kỳ tôi làm viện trưởng có những thành công nhất định,
nhưng không phải là đỉnh cao.
Tôi mong các anh em làm tiếp phát triển hơn giai đoạn của tôi.
Bệnh nhân, nhân viên Viện Huyết học - truyền máu trung ương chia tay bác sĩ Trí trong
nước mắt - Ảnh: Viện Huyết học - truyền máu trung ương
* Những điều gì ông dự định làm sắp tới đây?
- Tôi còn rất nhiều dự định, mà dự định thứ nhất là làm đại biểu Quốc hội cho tròn vai,
gần dân hơn. Tôi đã có hơn một năm ở vị trí này và nhận thấy rằng muốn xứng đáng
là một đại biểu Quốc hội không phải điều dễ dàng.
Thứ hai là tôi cần hỗ trợ, cố vấn cho con trai hiện đang điều hành một bệnh viện có
850 cán bộ nhân viên. Thứ ba là thực hiện ý tưởng đang dần hoàn thiện là xây dựng
một trung tâm và là công viên di sản các nhà khoa học VN, hiện đã có hàng ngàn giáo
sư gửi gắm tâm huyết và tư liệu vào đó.
Ngoài ra, tôi còn nhiều chương trình nghiên cứu khoa học với viện, với Hội Rối loạn
đông máu, Hội Huyết học - truyền máu VN và tiếp tục làm việc với các nghiên cứu
sinh mình đang hướng dẫn.
Tôi còn có dự định làm những tác phẩm âm nhạc, giờ có thời gian tôi làm lớn đấy
(gần đây, ông Trí đã tổ chức đêm nhạc Nguyễn Anh Trí rất thành công - PV)
Ngày 27-9, ông Nguyễn Anh Trí đã có lời kêu gọi một bà mẹ trẻ đã bỏ con lại Viện
Huyết học - truyền máu trung ương một ngày trước đó quay lại đón con. Vì cháu
chưa có tên, ông đã xin phép tập thể và đặt cho cháu bé tên Nguyễn Phước Đặng,
với lời cầu mong cháu gặp điều tốt lành.
"Chúng tôi đã chăm sóc cháu bé với một tình cảm đặc biệt, nhưng mong mẹ cháu
sau những suy nghĩ bồng bột hãy quay lại đón con mình. Chúng tôi mong chờ điều
đó" - ông Trí nói.
Bác sĩ Trí và bé Nguyễn Phước Đặng - Ảnh: CÔNG THẮNG
Trước đó, tháng 6-2017, Viện Huyết học - truyền máu trung ương đã đón bệnh nhân là
một thầy giáo trẻ người Azerbaijan đến dạy học ở Sơn La và phát hiện mắc ung thư
máu. Thầy giáo trẻ chỉ có vài triệu đồng vào viện, cha anh ấy từ Azerbaijan đã gom
tất cả tiền của gia đình và cả tiền vay mượn mới mang sang được 2.000 USD. Để cứu
bệnh nhân, ông Trí đã quyết định kêu gọi hỗ trợ.
Hôm 4-7, sau gần một tháng điều trị cho bệnh nhân, GS Trí và các cộng sự đã chuyển
1,36 tỉ đồng là tiền hỗ trợ của những người VN hảo tâm cho thầy giáo trẻ vừa trải qua
giai đoạn khó khăn nhất.
Thầy giáo và gia đình đã coi VN là quê hương thứ hai, đã quyết định điều trị ở VN
nhưng vì vấn đề chủng tộc nên việc điều trị bệnh bắt đầu phức tạp, thầy giáo phải
trở về Azerbaijan và sẽ được điều trị tiếp tại Belarus.
"Con tôi sẽ quay lại VN, tôi sẽ cho cháu lấy vợ người Việt" - cha của thầy giáo trẻ
nói với phóng viên Tuổi Trẻ trước khi quay về quê nhà.
LAN ANH (tuoitre.vn)