Từ ngày 19-23/03/2018, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Liên đoàn Hemophilia Thế giới phối hợp với Hội Rối loạn đông máu Việt Nam tổ chức Chương trình Tập huấn về chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân Hemophilia, đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình kết nghĩa Việt Nam – Úc (Australia) của Liên đoàn Hemophilia Thế giới (WFH).

TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW, Chủ tịch Hội Rối loạn đông máu Việt Nam và Ban lãnh đạo Viện gặp mặt các chuyên gia.

Tham gia chương trình tập huấn có: Bà Marie Ann Fernandez – Quản lý khu vực Châu Á và Tây Tây Thái Bình Dương của Liên đoàn Hemophilia Thế giới; PGS. Trần Anh Huyền - Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Bệnh viện Alfred Melbourne, Australia, Bà Emma Iva Krzesinski - Chuyên gia tư vấn Di truyền lâm sàng, Bà Helen Curd - Chuyên gia tư vấn di truyền, Bà Penny Mc Carthy - Giảng viên nội dung về điều dưỡng, Ông Frankie Mullen - Giảng viên nội dung vật lý trị liệu (Bệnh viện Alfred Melbourne, Australia); Ông Brian O’Mahony - Hội Hemophilia Ireland; cùng các học viên tham dự lớp tập huấn là các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc, điều trị bệnh nhân Hemophilia tại các Trung tâm Hemophilia: Viện Huyết học – Truyền máu TW, Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng I, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ…

PGS. Trần Anh Huyền – Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Bệnh viện Alfred Melbourne, Australia

Các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân Hemophilia tại các Trung tâm Hemophilia tham gia chương trình tập huấn.

Các chuyên gia đến từ bệnh viện Alfred Melbourne (Australia) đã cung cấp kiến thức và trao đổi kinh nghiệm trong chăm sóc và điều trị bệnh hemophilia: điều trị tại nhà, điều trị dự phòng, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng… để hướng tới chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân hemophilia trên toàn quốc. Cũng trong chương trình, ông Brian O’Mahony – Hội Hemophilia Ireland đã tập huấn kiến thức, kĩ năng hoạt động hội cho các trưởng nhóm nhằm phát triển hoạt động hội;

Các chuyên gia đến từ bệnh viện Alfred Melbourne (Australia) trao đổi kinh nghiệm trong chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân Hemophilia với các bác sĩ, điều dưỡng tại các bệnh viện.

Các chuyên gia hướng dẫn người bệnh cách sơ cứu tại nhà khi có chấn thương hoặc chảy máu.

Trong những năm gần đây, hoạt động chăm sóc và quản lý Hemophilia tại Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng mừng, người bệnh được chi trả bảo hiểm cho các yếu tố đông máu, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, chủ động phát hiện bệnh nhân và người mang gen...

Nhiều chương trình giáo dục, đào tạo và các hoạt động xã hội được tổ chức giúp nâng đỡ tinh thần cho người bệnh và người nhà người bệnh. Hoạt động hợp tác quốc tế cũng được đẩy mạnh từ đó hỗ trợ rất hiệu quả cho người bệnh về nhiều mặt, qua đó chất lượng cuộc sống của người bệnh đã được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến kiến thức được triển khai tại cộng đồng góp phần giáo dục, nâng cao hiểu biết của người dân về phòng tránh bệnh Hemophilia.

Với sự giúp đỡ của Liên đoàn Hemophilia Thế giới, chúng ta có thể tin tưởng rằng chất lượng chăm sóc và điều trị Hemophilia sẽ ngày càng được cải thiện, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn cho người bệnh.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 6.000 người mắc bệnh Hemophilia trong đó mới có khoảng trên 40% bệnh nhân được quản lý, chăm sóc và điều trị. Ở các nước phát triển, bệnh nhân Hemophilia được điều trị đầy đủ vì vậy cuộc sống của họ gần như người bình thường. Tuy nhiên, chi phí điều trị rất cao do đó mà ở các nước đang phát triển như nước ta, đa số bệnh nhân không được điều trị đầy đủ dẫn đến tình trạng bị chảy máu tái phát nhiều lần gây biến dạng cơ và khớp. Tỷ lệ người bệnh tàn tật, thất nghiệp vẫn còn rất lớn dẫn đến chất lượng sống của người bệnh thấp.
 
Công Thắng (nihbt.org.vn)

Bình luận