"Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”
( Hồ Chí Minh)
 
Như Bác Hồ kính yêu đã nói, là trẻ em chỉ cần biết ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, ăn uống đầy đủ, học hành chăm chỉ là đủ… Nhưng, nếu bạn nhìn ra xã hội, cùng lắng nghe và trải nghiệm với những mảnh đời khốn khổ, bất hạnh, chắc hẳn bạn sẽ có cảm giác như tôi đang có… lúc này.

 
Tôi đến Khoa Hemophilia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương lần đầu tiên vào một buổi chiều đầy gió. Với vai trò là tình nguyện viên mới, tôi đi theo chị Đội trưởng, lắng nghe chị giới thiệu về khoa Hemophilia (Hemo), về tình hình bệnh nhân, tôi không khỏi xót xa cho những người bất hạnh phải gắn bó cả đời với căn bệnh về máu. Và, người để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi có lẽ là Thắng – một em bé đang học lớp 3 đang nằm điều trị tại Khoa Hemophilia. (ảnh minh họa từ internet)
 
Tôi gặp Thắng và chị Thanh (mẹ Thắng) khi cậu bé đang phải nằm truyền máu. Khuôn mặt em nhợt nhạt, những câu trả lời một cách yếu ớt, đôi môi trắng bệch vì bị chảy máu quá nhiều của em làm tôi tự đặt ra một câu hỏi: Không biết tại sao sức khỏe của em lại trớ trêu thế này?
 
Khi chị Phương, người đội trưởng của tôi giới thiệu, tôi mới biết rằng do em bị chảy máu chân răng. Nhìn sang chị Thanh – người mẹ trẻ ngồi cạnh với đôi mắt trĩu nặng lo toan và cả những mệt mỏi do thiếu ngủ đem lại, đôi tay gầy gộc đang xoa nhẹ chân cho con để giúp em phần nào cảm thấy bớt khó chịu, tôi thầm cảm thấy thương chị khôn siết.
 
Ngồi bên cạnh con, chị Thanh sụt sùi kể lại: "chị đến từ Nghệ An nên việc đưa con đi điều trị rất khó khăn, mỗi lần phải đi hơn 300 cây số mới tới nơi. Trong khi chờ có máu để truyền, máu trong răng cháu vẫn chảy ra rất nhiều, nhìn con đau đớn, lòng chị đau lắm!”
 
Con trai chị bị suy giảm hồng cầu, lượng máu sinh ra thiếu nên mỗi lần bị chảy máu như vậy, cứ thiếu là lại phải truyền máu. Sau Thắng, chị Thanh còn sinh được một bé trai nữa và hiện cũng đang bị bệnh như Thắng. Khi kể đến đây, giọng chị nghẹn lại. Rồi chị bùi ngùi kể tiếp: "Gia đình chị lại thuộc hộ nghèo của Huyện nữa, chồng chị đi làm nghề biển, chài lưới, lúc được lúc không. Giờ lại gió bão thế này, không biết ở nhà thế nào..”
 
Mỗi lần đưa con đi viện, gia đình nghèo lại phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để có tiền chữa bệnh cho con, lại có em nhỏ ở nhà cũng đang mang bệnh nữa. Dường như, gánh nặng tài chính, gia đình đang dồn hết lên đôi vai gầy của chị.
 
Nhìn chị Thanh cũng như các bà mẹ khác ở đây, tôi cảm nhận được sự thiêng liêng của tình mẫu tử, sự hi sinh, chịu đựng, bất chấp tất cả để con được bình an như thể: "lòng mẹ bao la như Biển Thái Bình dạt dào…”

 Ths. Nguyễn Thị Mai

Bình luận