Sáng 11/01/2017, tại Trung tâm Hemophilia – Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Hội Rối loạn đông máu Việt Nam đã tổ chức tống kết hoạt động Hội năm 2016 và đề ra phương hướng hoạt động trong năm 2017 khu vực phía Bắc.

Tham dự và chủ trì hội nghị có Ths. Bác sĩ Nguyễn Thị Mai – Tổng thư ký Hội Rối loạn đông máu Việt Nam cùng đại diện các Chi hội, CLB, Nhóm bệnh nhân đến từ các tỉnh thành khu vực phía Bắc.
 
 
Văn phòng Hội Rối loạn đông máu Việt Nam báo cáo tổng kết hoạt động Hội năm 2016 
 
Năm 2016 là một năm nối tiếp thành công của Hội đã đạt được thông qua các hoạt động thực tế như: truyền thông, giáo dục và đào tạo cho hàng trăm lượt cán bộ y tế tại một số tỉnh thành mang lại nhiều thuận lợi và thay đổi tích cực đối với hội viên trong điều trị.

 
Điểm nổi bật trong năm qua đó là hoạt động hợp tác quốc tế trên nhiều phương diện mà tiêu điểm chính là "Kí kết chương trình Liên minh toàn cầu vì sự phát triển - gọi tắt là GAP” với Liên đoàn Hemophilia thế giới (WFH) vào ngày 22/9/2016.
 
Đây là chương trình liên minh toàn cầu vì sự phát triển trong điều trị Hemophilia của WFH nhằm rút ngắn khoảng cách điều trị đúng và đủ giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển trên ba phương diện chính: số lượng người sinh ra mắc bệnh hemophilia và số người sống đến tuổi trưởng thành, số lượng người mắc các rối loạn chảy máu theo ước tính và số lượng thực tế được chẩn đoán và sự sẵn có của các chế phẩm điều trị so với nhu cầu sử dụng.
 
Bên cạnh đó, năm 2016 Hội Rối loạn đông máu Việt Nam cũng như Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã nhận được từ chương trình viện trợ nhân đạo của WFH với 2.900.000 UI yếu tố cô đặc (tương đương trên 70 tỉ đồng).
 
Nguồn tài trợ quý giá này đã được dùng điều trị cho bệnh nhân cần phẫu thuật giúp cải thiện chất lượng sống và sinh hoạt hàng ngày của hội viên được tốt lên – Đó là những thay đổi tích cực mà trước đây nhiều bệnh nhân không dám nghĩ tới
 
Về phương hướng hoạt động Hội trong năm 2017, Hội tiếp tục các chương trình tuyên truyền, giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về bệnh hemophilia. Tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế, đặc biệt là chương trình GAP, tiếp tục vận động tài trợ và hỗ trợ nhân đạo giúp nâng cao chất lượng sống cho hội viên.
 

Chương trình có sự tham dự của các chi hội trưởng, trưởng nhóm, câu lạc bộ bệnh nhân, cha mẹ bệnh nhân khu vực phía Bắc. Trong đó có cả những nhóm, câu lạc bộ mới được thành lập như Vĩnh Phúc, Hà Nam...
 
Phát biểu tại hội nghị, ThS Nguyễn Thị Mai đánh giá cao sự đóng góp của các hội viên trong hoạt động hội và mong một số hạn chế các thành viên cần khắc phục như tham gia nhiệt tình hơn, mạnh dạn đưa ra các sáng kiến cũng như góp ý trực tiếp nhằm đẩy mạnh công tác hội nói riêng và công tác chăm sóc điều trị Hemophilia nói chung.
 
Đại diện các chi hội, câu lạc bộ nghiên cứu tài liệu trước giờ họp

ThS Nguyễn Thị Mai nhấn mạnh: "Để nâng cao chất lượng điều trị, các hội viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần tuân thủ tốt nội quy bệnh viện, hợp tác với bác sĩ, điều dưỡng viên và bản thân mỗi hội viên sẽ là hạt nhân trong việc tuyên truyền, phát hiện bệnh cũng như sẵn sàng giúp đỡ hỗ trợ nhau trong cuộc sống…”.
 
Trần Hải

Bình luận