Ngày 19/6/2019, tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã diễn ra cuộc họp triển khai Dự án Hỗ trợ mở rộng mạng lưới hemophilia và chăm sóc hemophilia cơ bản tại Việt Nam. Dự án do Quỹ Haemophilia Novo Nordisk tài trợ.
Tham dự cuộc họp có TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW, Chủ tịch Hội Rối loạn đông máu Việt Nam, các thành viên trong ban Điều hành dự án, nhóm thực hiện dự án, các đồng chí lãnh đạo và các bác sĩ, kỹ thuật viện tham gia điều trị Hemophilia tại 10 bệnh viện có trung tâm hemophilia vệ tinh.
Dự án Hỗ trợ mở rộng mạng lưới hemophilia và chăm sóc hemophilia cơ bản tại Việt Nam được triển khai nhằm mục đích mở rộng hệ thống chăm sóc, điều trị hemophilia trên toàn quốc; Nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế tại các trung tâm hemophilia vệ tinh; Xây dựng hội bệnh nhân tại các tỉnh có trung tâm vệ tinh; Thúc đẩy hoạt động của hội bệnh nhân trên toàn quốc.
TS. Bạch Quốc Khánh rất mong muốn xây dựng được những đơn vị điều trị hemophilia tại nhiều vùng miền để bệnh nhân hemophilia được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và có cuộc sống chất lượng hơn.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, TS. Bạch Quốc Khánh cho biết: "Tôi rất xúc động khi các đồng chí lãnh đạo bệnh viện quan tâm đến hoạt động chăm sóc, điều trị bệnh nhân hemophilia. Ở nhiều vùng, khả năng tiếp cận với hoạt động chăm sóc, điều trị của bệnh nhân hemophilia còn hạn chế như ở như ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ...
Nếu bệnh nhân được bổ sung yếu tố đông máu trong vòng 2 giờ kể từ thời điểm bị chảy máu thì tình trạng chảy máu sẽ kết thúc nhanh chóng, không để lại di chứng. Do vậy, chúng tôi rất mong muốn xây dựng được những đơn vị điều trị hemophilia tại nhiều vùng miền để bệnh nhân hemophilia được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và có cuộc sống chất lượng hơn”.
Hiện nay, trên toàn quốc mới có 7 trung tâm điều trị Hemophilia và đều ở các thành phố lớn: Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Do phải di chuyển một quãng đường xa mới đến được cơ sở điều trị nên người bệnh phải chịu nhiều đau đớn, để lại di chứng và tốn kém cả về thời gian, tiền bạc trong quá trình điều trị.
Hiện nay, cả nước có 7 Trung tâm Hemophilia tại 4 tỉnh, thành phố lớn (điểm màu đỏ). Mục tiêu của dự án Hỗ trợ mở rộng mạng lưới hemophilia và chăm sóc hemophilia cơ bản tại Việt Nam là xây dựng 10 trung tâm tại nhiều tỉnh, thành phố khác (chấm màu xanh)
Kết quả đầu ra của dự án là xây dựng được 10 trung tâm điều trị hemophilia vệ tinh có thể cung cấp dịch vụ chẩn đoán và điều trị cơ bản cho bệnh nhân hemophilia và bệnh nhân rối loạn đông máu khác tại các bệnh viện ở Phú Thọ, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Kiên Giang.
Với việc xây dựng thêm 10 trung tâm điều trị hemophilia ở các tỉnh thành thuộc khắp các vùng miền của đất nước sẽ đem lại rất nhiều thuận lợi cho người bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị và góp phần nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Để triển khai Dự án, từ tháng 5 - 6/2019, Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phối hợp với 10 bệnh viện vệ tinh tổ chức khảo sát đánh giá tình hình quản lý và chăm sóc bệnh hemophilia tại các bệnh viện, làm cơ sở triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn.
Ngày 19/6/2019, tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, các thành viên trong ban Điều hành dự án, nhóm thực hiện dự án, đại diện 10 bệnh viện có trung tâm hemophilia vệ tinh đã họp thảo luận, thống nhất kế hoạch, hình thức triển khai các nội dung hoạt động được nêu trong dự án.
Từ tháng 8/2019 - tháng 10/2019, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương sẽ đào tạo cho các bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên của 10 trung tâm hemophilia vệ tinh theo hình thức tập trung, mỗi đợt tập huấn kéo dài 01 tháng chia thành 03 đợt.
Tiếp theo đó, trong năm 2019 - 2020, các bệnh viện có trung tâm hemophilia vệ tinh tiếp tục triển khai đào tạo tại chỗ, triển khai và giám sát thực hiện, đánh giá hiệu quả hoạt động các hoạt động của 10 trung tâm vệ tinh.
Song song với đó là hoạt động đào tạo tập huấn các kĩ năng hoạt động cho các hội bệnh nhân tại 10 tỉnh thành có bệnh viện vệ tinh trên và thúc đẩy hoạt động của các hội bệnh nhân trên toàn quốc. Hàng năm, ban Điều hành dự án sẽ tổ chức họp đánh giá quá trình thực hiện dự án và tổng kết dự án.
Trương Hằng