Tăng số lượng trẻ em tập thể dục dù chỉ chưa đầy 30 phút vài lần mỗi tuần cũng có thể giúp giảm chi phí y tế tới hàng tỷ USD.
Theo báo cáo đăng trên tạp chí y tế Health Affairs, hiện tại chỉ có khoảng 32% trẻ em Mỹ tuổi từ 8-11 tập thể dục đầy đủ. Mức tối thiểu theo khuyến nghị của Hiệp hội Công nghiệp thể thao và sức khỏe là 25 phút mỗi ngày, ba ngày một tuần.
Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y tế công Bloomberg (thuộc ĐH Johns Hopkins) khẳng định chỉ cần 50% số trẻ em độ tuổi này luyện tập với cường độ đó, nước Mỹ sẽ tiết kiệm được tới 21,9 tỷ USD chi phí y tế và tổn thất về lương bổng trong cuộc đời của chúng.
Nếu 100% trẻ em độ tuổi này luyện tập, số tiền tiết kiệm được sẽ tăng gấp ba lên 62,3 tỷ USD. Và sẽ có khoảng 1,2 triệu trẻ em tránh được bệnh béo phì.
"Hoạt động thể chất không chỉ giúp trẻ em khỏe mạnh và phát triển các thói quen tốt mà còn có lợi cho nền kinh tế đất nước” - chuyên gia Bruce Lee thuộc Trung tâm Phòng chống béo phì của ĐH Johns Hopkins nhấn mạnh.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy đầu tư vào hoạt động thể chất cho trẻ em đem lại hiệu quả kinh tế lớn khi chúng lớn lên” - ông khẳng định.
Khuyến khích trẻ em tập thể dục giúp tiết kiệm hàng chục tỷ USD. Ảnh: DAILY MAIL
Theo Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện tại ở nước này cứ sáu trẻ em tuổi từ 2-19 thì có một bị quá cân hoặc béo phì. CDC xác định "quá cân” là tình trạng chỉ số trọng lượng cơ thể (BMI) dao động từ 25-30.
Còn béo phì là BMI cao hơn 30. Chỉ số BMI ở trẻ em bình thường là 18,5-24,9.
Cứ ba người lớn ở Mỹ thì có hơn một bị béo phì (36,5%). Họ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và các bệnh nguy hiểm khác, ví dụ như ung thư.
Các nghiên cứu cho thấy thanh niên bị quá cân ở tuổi 18 sẽ dễ bị béo phì hơn trong tương lai so với thanh niên cân nặng bình thường.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo nếu trẻ em Mỹ tuổi từ 8-11 cứ lười vận động như hiện nay thì đến năm 2020 sẽ có thêm 8,1 triệu trẻ em bị quá cân hoặc béo phì. Nước Mỹ sẽ hứng chịu khoản chi phí y tế và tổn thất lương bổng lên đến 2.800 tỷ USD trong quãng đời của các trẻ em này.
Trung bình chi phí y tế của một người bị quá cân trong suốt cuộc đời lên đến 62.331 USD, còn tổn thất lương bổng là 93.075 USD. Đối với người bị béo phì, tổn thất kinh tế còn lớn hơn.
"Tình trạng trẻ em béo phì ngày càng nghiêm trọng, do đó giá trị của hoạt động thể chất càng lớn. Chúng ta cần khuyến khích con em hoạt động thể chất nhiều hơn, năng động hơn, giảm thời gian ngồi trước máy vi tính hoặc màn hình TV” - chuyên gia Lee kêu gọi.
Lan Chi (tuoitre.vn)