I. Dịch tễ học 
Từ năm 1959 tại Zaize - Châu Phi, lần đầu tiên mẫu máu có HIV dương tính được phát hiện. Nhưng cho tới năm 1981, bệnh AIDS trên lâm sàng mới được phát hiện tại Mỹ. Đó là 5 trường hợp đồng tính luyến ái nam bị viêm phổi nặng ở Los Angeles ( Califonia, Mỹ) do P. Carini phát hiện. Tháng 3 năm 1981 nhiều trường hợp ung thư da Kaposi được báo cáo ở New York. Một điều đáng lưu ý là tất cả các bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch trầm trọng này đều là những người trẻ, đồng tính luyến ái, trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Nguyên nhân của tình trạng này lúc đó chưa được biết song dựa trên các yếu tố địa lý người ta cho rằng đây là một bệnh truyền nhiễm hoặc có liên quan đến môi trường 
Dịch HIV/AIDS xuất hiện muộn ở Việt Nam và cho đến nay vẫn được coi là dịch tập trung với tỉ lệ nhiễm cao ở nhóm người tiêm chích ma túy, gái mại dâm và thấp dưới 1% ở nhóm phụ nữ mang thai. Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện vào tháng 12/1990. Đến cuối năm 2004, dịch HIV/AIDS đã được báo cáo ở 100% tỉnh, 93% số huyện và 49% số xã.  Tính đến ngày 31/12/2008, số tích lũy được báo cáo là 138.191 các trường hợp nhiễm HIV, 29.57 trường hợp đã chuyển thành bệnh nhân AIDS và 41.544 ca tử vong do AIDS. Trong số ca nhiễm HIV được báo cáo, 78,9% ở độ tuổi từ 20-39. Nam giới chiếm 85,2% trong tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện
 
II. Công tác giám sát HIV/AIDS 
Chính phủ Việt Nam nhận thức một cách rõ ràng tầm quan trọng của công tác phòng chống HIV như một trong những nội dung của công cuộc phát triển đất nước. Cục phòng, chống AIDS Việt Nam (VAAC) thành lập năm 2005, tiếp đến việc thiết lập các Trung tâm Phòng, Chống AIDS tuyến tỉnh/thành phố trong các năm 2006 và 2007. Hiện tại, 61 trong tổng số 63 tỉnh/thành phố đã có Trung tâm Phòng, Chống AIDS. Đồng thời, Cục Phòng Chống AIDS Việt Nam đã phân công 4 Viện Vệ sinh Dịch tễ khu vực chịu trách nhiệm hỗ trợ các tỉnh, thành trong khu vực, tăng cường phân cấp quản lý trong việc thực hiện các ứng phó phòng chống AIDS của quốc gia. Hiện tại cả nước có 67 phòng xét nghiệm được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính đang hoạt động tại 45 tỉnh, thành phố, trong đó có 18 phòng xét nghiệm thuộc các Viện, Bệnh viện tuyến trung ương. Trong năm 2008 đã xét nghiệm HIV 624.722 mẫu máu, số dương tính là 21.339 chiếm 3,41%. Hiện tại 48 tỉnh, thành phố đã có 236 phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Năm 2008 đã tư vấn cho tổng số 191.833 người, số người được xét nghiệm HIV là 178.275 người, trong đó số HIV dương tính là 21.076 trường hợp (chiếm 11,8%).
 
III. Chẩn đoán  nhiễm HIV 
Theo quyết định số 1418/2000/QĐ-BYT ngày 4 tháng 5 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế áp dụng cho chẩn đoán các trường hợp nhiễm HIV: Mẫu huyết thanh được coi là dương tính với phương cách III khi mẫu đó dương tính cả 3 lần xét nghiệm bằng 3 loại sinh phẩm với nguyên lý và chuẩn bị kháng nguyên khác nhau.
Có hai phương pháp xét nghiệm HIV chính:
 +) Phương pháp gián tiếp phát hiện sự hiện diện của kháng thể kháng HIV  bao gồm
- Kỹ thuật ELISA cho phép phát hiện kháng thể kháng HIV sau khi bị nhiễm từ 1 đến 3 tháng. Độ nhạy và độ đặc hiệu là trên 99%.
Tuy nhiên hiện nay, các sinh phẩm ELISA ngày càng được hoàn thiện, sử dụng các kháng nguyên có epitop tạo ra các kháng thể sớm và có các loại kháng nguyên cho phép phát hiện kháng thể kháng virus HIV-1 và HIV-2 và virus HIV nhóm O
Hiện tại ở Viện Huyết học – Truyền máu TW đang sử dụng sinh phẩm ELISA thế hệ thứ tư để xét nghiệm cho bệnh nhân và người cho máu. Đây là loại sinh phẩm đang được sử dụng ở hầu hết các nước phát triển trên thế giới cho phép phát hiện cả kháng thể và kháng nguyên p24, do đó rút ngắn được giai đoạn cửa sổ xuống 11 đến 38 ngày.
- Kỹ thuật ngưng kết hạt vi lượng (Serodia): Đây là kỹ thuật tương đối đơn giản có độ đặc hiệu cao và tỉ lệ dương tính giả tương đối thấp
- Kỹ thuật test nhanh (Determine) là kỹ thuật có độ nhạy và độ đặc hiệu là 96% và 99%
- Kỹ thuật Western blot: Đây là xét nghiệm khẳng định có độ đặc hiệu rất cao.
+) Phương pháp trực tiếp phát hiện các kháng nguyên virus, các axit nucleic hoặc phân lập virus.
- Kỹ thuật sinh học phân tử để phát hiện RNA của virus (PCR): Đây là kỹ thuật có độ nhạy cao.
- Kỹ thuật phân lập virus bằng nuôi cấy tế bào.
 
IV. Điều trị HIV/AIDS 
Quyết định 06/2005/QĐ/BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 7-3-2005 đã cho phép tất cả các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân và bán công thực hiện chẩn đoán và điều trị AIDS. Hiện nay, trên toàn quốc đã có: 208 điểm điều trị bằng thuốc đặc hiệu kháng virus HIV (ARV), trong đó có 8 điểm tại tuyến trung ương, 92 điểm tuyến tỉnh, thành phố và 108 điểm tại tuyến quận, huyện; có 34 máy đếm tế bào CD4 đặt tại 24 tỉnh, thành phố nhằm mục đích theo dõi kết quả điều trị và tiên lượng bệnh.
Tuy nhiên không phải tất cả các bệnh nhân HIV/AIDS đều được điều trị bằng thuốc ARV, việc quyết định điều trị bằng ARV phụ thuộc vào lâm sàng, số lượng CD4 và tổng số tế bào lympho. Tính đến 30/11/2008, tại Việt Nam số bệnh nhân AIDS đang được quản lý và điều trị ARV là 26.050 bệnh nhân, trong đó người lớn là 24.618 người, trẻ em là 1.432 trẻ.
 
PGS. TS Bạch Khánh Hòa, Ths Chử Thị Thu Hường
Khoa Miễn dịch Sàng lọc
Viện Huyết học – Truyền máu TW

Bình luận